“Hồi trước gom mấy loại rác này tôi không sợ nhưng giờ có dịch Corona, không chỉ tôi mà hầu hết công nhân vệ sinh đều rất sợ. Mỗi ngày nghe báo, đài thông tin về diễn biến của loại dịch bệnh này tôi rất hoang mang. Có lúc tôi định bỏ nghề nhưng nghĩ lại nếu nghỉ làm thì lấy gì mà sống và ai cũng như tôi thì đường phố sẽ ra sao. Hy vọng biết được sự vất vả của nghề này, người dân sẽ có ý thức hơn, để rác đúng nơi quy định” - chị Tám nói.
Công nhân thu gom rác và nỗi lo tiếp xúc nguồn lây bệnh trong mùa dịch Corona. Ảnh: CHÂU NGUYỄN
Tăng cường bảo vệ người lao động
Trước tình hình dịch Corona, nhiều công ty đã tăng cường trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trực tiếp thực hiện công tác thu gom chất thải để phòng dịch.
Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO), cho biết công ty tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo hộ lao động cho công nhân trong quá trình tác nghiệp như quần áo, khẩu trang, găng tay cao su, giày dép,… Với các công nhân trực tiếp thực hiện công tác thu gom chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, chất thải sinh hoạt tại các bệnh viện, ngoài việc chấp hành nghiêm quy định bảo hộ lao động, khi cần thiết phải sử dụng bảo hộ lao động chuyên dụng để phòng dịch.
Hiện nay, công ty đã tăng cường trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trực tiếp thực hiện công tác thu gom chất thải y tế tại các bệnh viện. Cụ thể, đối với người lao động trực tiếp thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm tại các bệnh viện sẽ được trang bị quần áo phòng dịch, nón, khẩu trang y tế than hoạt tính bốn lớp, găng tay, đồ bao giày,… Bên cạnh đó, công ty còn chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phun xịt khử trùng tại khu vực hoạt động, làm việc nhằm đảm bảo công tác phòng ngừa dịch Corona hiệu quả hơn.
“Ngoài việc các công ty tăng cường bảo hộ cho những công nhân vệ sinh, thiết nghĩ mỗi cá nhân nên có ý thức hơn với việc xả rác. Một hành động nhỏ là khi sử dụng xong khẩu trang hãy bỏ đúng nơi quy định, là cách chúng ta tự bảo vệ người khác cũng như tự bảo vệ bản thân mình” - ông Tuấn cho hay.
Theo BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, người thu gom rác thường sẽ được tập huấn tại các công ty nên họ đã có kiến thức về việc phòng, chống lây bệnh truyền nhiễm. Với những người thu gom rác tại các bệnh viện thì phải liên tục được tập huấn, cập nhật các vấn đề liên quan đến cách thu gom rác y tế. Đối với rác thải của những người nhiễm bệnh (bao gồm cả quần áo), ngay từ khu vực cách ly đã được xử lý theo đúng quy trình, khi xử lý xong mới mang rác ra bên ngoài. Do đó, với những người thu gom rác, nếu tuân thủ theo hướng dẫn của công ty thì không thể lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, với các rác thải ở bên ngoài, trong môi trường ở TP thời điểm này cũng có nhiều nắng, nếu có virus thì khả năng chúng đã chết đi nhiều. Hiện nay, nhân viên thu gom rác cũng không tiếp xúc trực tiếp với khẩu trang mà họ có đồ gắp, có bao tay, rửa tay thường xuyên nên họ hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh. |
Bình luận