Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo phụ nữ mang thai trong kỳ thứ 3 (khoảng tuần thai từ 27 đến 36) tiêm vắc xin phòng ho gà giúp bảo vệ người mẹ khỏi nhiễm bệnh, cung cấp khả năng miễn dịch thụ động cho trẻ sơ sinh.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM, ho gà là một loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp gây ra bởi vi khuẩn ho gà, thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh này lây truyền qua đường hô hấp trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Khả năng lây nhiễm cao ở những người cùng sinh hoạt trong một không gian khép kín chẳng hạn như hộ gia đình, trường học…
Nguồn: Trang fanpage Bộ Y tế Việt Nam
Các đặc điểm dễ nhận biết ho gà bao gồm sốt nhẹ, đâu họng, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn. Cùng với đó là các cơn ho rủ rượi, liên tục không thể kiềm hãm được, sau đó thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và có thể nôn ói.
Đáng chú ý, bệnh dễ diễn tiến nặng, tử vong do bội nhiễm, dẫn đến biến chứng viêm phế quản, viêm phổi. Trong đó, đối tượng có khả năng cao gặp phải các trường hợp trên khi nhiễm bệnh là trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, trẻ suy dinh dưỡng.
Được biết, hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ho gà cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Chính vì thế, việc nhóm trẻ nhỏ này được miễn dịch thụ động thừa hưởng từ mẹ là rất cần thiết. Theo đó, những người mẹ mang thai cần tiêm chủng vắc-xin có thành phần ho gà đầy đủ nhằm bảo vệ bản thân tránh vô tình truyền bệnh cũng như cung cấp khả năng miễn dịch thụ động cho đứa bé.
Hình ảnh minh họa
Bên cạnh đó, để tối đa hóa việc truyền kháng thể thụ động sang trẻ sơ sinh, người mẹ nên tiêm chủng trong thời gian đầu của tuần thai từ 27 đến 36. Ngoài ra, mức độ kháng thể ho gà sẽ giảm theo thời gian. Vì vậy, tất cả phụ nữ phải thực hiện tiêm chủng trong mỗi lần mang thai để truyền được số lượng kháng thể bảo vệ lớn nhất đến từng trẻ sơ sinh.
Đồng thời, phụ huynh cần lưu ý một số biện pháp phòng tránh bệnh ho gà khác như:
1. Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà khi trẻ được 02 tháng tuổi tại trạm y tế xã, phường đầy đủ theo đúng lịch và hướng dẫn của cán bộ y tế.
2. Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Hạn chế để trẻ đến những nơi đông người nhằm tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.
4. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trang Thanh
Bình luận