Khu vực phía Bắc đang chìm trong giá rét với nền nhiệt phổ biến từ 7-10 độ C (khu vực đồng bằng Bắc Bộ), vùng núi phía Bắc từ 3-5 độ C, có nơi dưới 0 độ C. Dự báo, đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài trong nhiều ngày tới.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, trong ngày và đêm 22/1, bộ phận không khí lạnh tăng cường mạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7. Ở Bắc Bộ trời rét hại; khu vực Bắc Trung Bộ trời rét, từ đêm 22/1 trời rét hại. Từ chiều tối và đêm 22/1, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét.
Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-11 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13-16 độ C. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Từ ngày 22-24/1, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ đêm 21/1, nhiều nơi khu vực Hà Nội xuất hiện mưa rào. Ảnh: K.N.
Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đợt rét đậm, rét hại này, nhiều địa phương khu vực phía Bắc đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa rét. Trong đó, tại Hà Nội, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường duy trì việc theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội trong những ngày trời rét đậm, rét hại được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Căn cứ vào thông tin này, hiệu trưởng các nhà trường chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học (học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C; học sinh trung học cơ sở nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C).
Trời rét, nhiều người thường hay đốt lửa sưởi ấm. Tuy nhiên cần hết sức thận trọng đề phòng cháy nổ.
Đồng thời, các trường không tổ chức hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét; tăng cường kiểm tra và sửa chữa kịp thời cửa các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học để học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.
Trước dự báo các hình thái thời tiết nguy hiểm trên, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét cho bản thân và gia đình. Cùng với đó, hiện tượng dông, lốc, sét, gió giật mạnh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh. Khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố. Chính quyền và các đơn vị chức năng cần vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.
Theo nguồn K. LINH/Thiennhienmoitruong.vn
Link nguồn: https://thiennhienmoitruong.vn/ret-dam-ret-hai-keo-dai-trong-nhieu-ngay-toi.html
Bình luận