Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong những ngày đầu tiên của tháng 5 thời tiết khắc nghiệt khiến tiêu thụ điện tăng cao. Thí dụ, ngày 6/5 là ngày nghỉ cuối tuần và tiêu thụ điện đã lên 895 triệu kWh/ngày, đây là kỷ lục so với trước đây.
Vì sao phải tăng giá điện?
Trả lời câu hỏi vì sao giá điện tăng vào mùa nắng nóng, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trước khi điều chỉnh tăng giá điện, EVN đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng tới từng nhóm hộ dân.
Cụ thể, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50kWh/tháng là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm là 2.500 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100kWh/tháng là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm là 5.100 đồng/hộ.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200kWh/tháng là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm 11.100 đồng/hộ, đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300kWh/tháng là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm là 18.700 đồng/hộ.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400kWh/tháng là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, số tiền tăng thêm là 27.200 đồng/hộ. Như vậy đợt tăng giá 3% tác động những hộ gia đình
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN thông tin thêm, trong những ngày đầu tiên của tháng 5 chúng ta đã chứng kiến những ngày khắc nghiệt của thời tiết khiến tiêu thụ điện tăng cao.
Thí dụ, ngày 6/5 là ngày nghỉ cuối tuần và tiêu thụ điện đã lên 895 triệu kWh/ngày, đây là kỷ lục rất cao so trước đây; sản lượng điện tăng hơn 12% so cùng kỳ năm 2022.
Tuy lượng tiêu thụ điện tăng cao nhưng các hồ thủy điện đang có mực nước khá thấp. Cụ thể, 12/12 hồ thủy điện ở miền bắc có lượng nước về chỉ bằng 50-60% so trung bình hằng năm; miền nam hay miền trung cũng có nhiều hồ như Trị An, Đak R'Tih, Sông Côn 2... với mực nước rất thấp và nhiều hồ về gần mực nước chết hay dưới mực nước tối thiểu vận hành.
Bên cạnh đó, theo dự báo năm nay khả năng cao là hiện tượng El Nino sẽ về sớm từ cuối năm 2023 và kéo dài sang 2024. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến lượng nước về các hồ thủy điện, gây khó khăn cho sản xuất điện.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, thị trường biến động rất nhanh và các chi phí đều tăng lên nên ngành điện phải tiếp tục điều chỉnh giá, mới đây đã điều chỉnh giá điện tăng 3%.
Cụ thể, nếu tính từ năm 2019 đến 2022 lạm phát lũy tiến đã tăng khoảng 10%. Nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng lên khoảng 20,3%. Năm 2022, giá thế giới nhập khẩu về pha trộn với than trong nước để sản xuất điện tăng gấp 6 lần so năm 2020.
Nếu so năm 2021 là tăng 2,6 lần. Giá than tăng nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải mua nhiệt điện than tăng khoảng 25% và mua nhiệt điện tăng khoảng 11,3%, chưa kể trượt giá, lương tối thiểu cũng tăng. Giá thành điện của EVN đã kiểm toán năm 2022 tăng so 2021 là 9,27%.
Do đó, nếu không có bù đắp chi phí cho đơn vị sản xuất thì dòng tiền của EVN bị "ngắt", EVN sẽ không có điều kiện để sản xuất kinh doanh, cung ứng điện cho nền kinh tế.
Trước câu hỏi, điều chỉnh giá điện có đúng quy định của pháp luật hay không, ông Thỏa khẳng định, quy định của Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh giá khoảng 3%, trong trường hợp giá điện tăng 10% trở lên phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo ông Thỏa, nghe điều chỉnh thì ghê gớm lắm nhưng cũng chỉ tăng thêm bình quân là 56 đồng/kWh. Khi đó, việc giá điện tăng sẽ tác động đến các ngành nghề khác khoảng 0,18%.
Trong đó, ngành sản xuất cần nhiều điện như thép thì làm tăng giá thành của ngành thép lên 0,18%. Xi-măng tăng lên 0,45% còn dệt may là 0,4%. Còn đối với người tiêu dùng cũng tăng ít. Bởi hiện nay điện sinh hoạt trên 25 triệu hộ. Bình quân 1 gia đình tiêu thụ 200kWh /hộ/tháng.
Như vậy, bình quân mỗi hộ gia đình trả thêm 12.000 đồng. Còn người sử dụng ít, khoảng 5kWh/tháng thì chỉ tăng lên khoảng 2.500 đồng/tháng. Còn dùng nhiều thì trả thêm 35.000 đồng/tháng. Như vậy có thể thấy mức độ tác động từ việc tăng giá điện là không lớn.
Giải pháp nào?
Tiến sĩ Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh cho biết, các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai trong thời gian qua có công suất rất lớn nhưng lượng điện năng của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố.
Đơn cử, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 giờ sáng-18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 giờ-13 giờ, không phù hợp đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.
Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10-20% công suất.
Theo ông Sơn, nhìn vào đó có thể thấy, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng.
Do vậy, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện.
Theo ông Võ Quang Lâm, cách đây 3 hôm, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm nước và điện cho sản xuất, sinh hoạt cũng như giao cho EVN thực hiện.
Ngay sau đó, EVN đã có những giải pháp triển khai ngay. Đó là phải bảo đảm đủ thiết bị dự phòng, nguyên vật liệu sản xuất điện; các địa phương, hồ thủy điện trong và ngoài EVN phải phối hợp chặt chẽ để duy trì sản xuất điện nhưng đồng thời bảo đảm được nước cho hạ du cho sản xuất nông nghiệp...
Ngoài việc EVN đảm bảo nguồn cung điện, ông Lâm cũng cho biết, Việt Nam có dư địa rất lớn trong tiết kiệm điện.
"Nếu mỗi người dân, doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại một chút trong cách sử dụng thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Thí dụ, Giờ Trái đất, chỉ cần tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết thì đã tiết kiệm được khoảng 500 triệu kWh trong một giờ. Như vậy, trong một ngày chỉ cần người dân tiết kiệm được một chút sẽ có hàng triệu kWh dành cho sản xuất...", Phó Tổng Giám đốc EVN dẫn chứng.
TÙNG QUANG
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/vi-sao-gia-dien-tang-vao-mua-nang-nong-post752915.html
Bình luận