WHO: Cảnh báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh nhiễm trùng do virus đậu mùa khỉ
  • Home/
  • Sức khỏe/
  • WHO: Cảnh báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh nhiễm trùng do virus đậu mùa khỉ
Sức khỏe

WHO: Cảnh báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh nhiễm trùng do virus đậu mùa khỉ

Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh mpox (bệnh nhiễm trùng gây ra do virus đậu mùa khỉ) ở Châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Theo thông cáo báo chí từ Đội ngũ truyền thông (Media Team) của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, viết tắt: WHO) đăng tải ngày 14/8, ghi nhận các ca bệnh mpox ngày càng tăng mạnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như nhiều quốc gia ở Châu Phi. Điều này gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế và đẩy cảnh cáo lên mức khẩn cấp về tình trạng sức khỏe toàn cầu.

WHO trích dẫn tuyên bố của Tổng giám đốc cơ quan - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus bổ sung thêm rằng, trong đợt bùng phát ghi nhận gần đây ở “lục địa đen”, các chuyên gia phát hiện xuất hiện của một nhánh mpox mới, lây lan nhanh chóng ở miền đông Congo và một số quốc gia lân cận.

Trong cuộc họp gần đây của Ủy ban Khẩn cấp (Emergency Committee) Quy định Y tế Quốc tế (International Health Regulations, viết tắt: IHR), nhóm chuyên gia đã gửi báo cáo đến Tổng giám đốc WHO và bày tỏ sự lo lắng rằng, mpox là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng có tầm quan trọng quốc tế (public health emergency of international concern, viết tắt: PHEIC). Đồng thời, nó khả năng sẽ lan rộng hơn nữa trên khắp Châu Phi và vượt ra ngoài lục địa này.

Nhiễm trùng do virus đậu mùa khỉ đang có nguy cơ trở thành một tình trạng toàn cầu (Nguồn: City of Chicago)

Cũng theo WHO, lần đầu tiên đợt bùng phát mpox ở nhiều quốc gia được phân loại “PHEIC” diễn ra vào tháng 7/2022. Nó lây lan nhanh chóng lây lan chủ yếu qua đường tình dục. PHEIC đã được tuyên bố kết thúc vào tháng 5/2023 sau khi có sự suy giảm liên tục số ca nhiễm trên toàn cầu. Mặc dù vậy, trên thực tế mpox đã được báo cáo ở Congo trong hơn 10 năm qua và số ca nhiễm hằng năm đều tăng đều đặn.

Vào năm 2023, số ca được báo cáo đã tăng đáng kể và số ca được báo cáo cho đến nay trong năm nay đã vượt quá tổng số của năm ngoái, với hơn 15.600 ca, trong đó có 537 ca tử vong. Trong tháng 7 vừa qua, hơn 100 trường hợp mặc bệnh đã được báo cáo ở 04 quốc gia lân cận Congo - nơi trước đây chưa từng ghi nhận: Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Tuy nhiên, chuyên gia tin rằng, con số thực tế có thể cao hơn vì một lượng lớn các trường hợp lâm sàng vẫn chưa được xét nghiệm.

Ở Hoa Kỳ, một báo cáo vào tháng 3/2024 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) cho biết, tính đến ngày 10/1/2024, ghi nhận tổng số ca nhiễm bệnh mpox ở Hoa Kỳ là 32.063 trên tổng số 99.518 ca nhiễm bệnh toàn cầu. Trong đó, ghi nhận 58 trường hợp tử vong trên toàn đất nước. Cần lưu ý rằng dữ liệu trên chỉ thể hiện những ca nhiệm được ghi nhận và báo cáo với cơ quan y tế địa phương và tiểu bang.

Thông tin từ thành phố Chicago (City of Chicago), các triệu chứng của Mpox thường xuất hiện từ vài ngày đến 2 tuần sau khi tiếp xúc, có thể kéo dài đến 21 ngày. Bệnh lây từ khi triệu chứng bắt đầu cho đến khi phát ban lành và da mới hình thành, thường mất khoảng 2 - 4 tuần.

Triệu chứng phổ biến là phát ban hoặc vết loét trông như mụn nhọt hoặc mụn nước, xuất hiện trên mặt, miệng, vùng sinh dục, hậu môn, ngực, tay và chân. Phát ban có thể nhẹ hoặc gây đau, ngứa nghiêm trọng. Một số người có triệu chứng giống cúm trước hoặc cùng lúc với phát ban. Biến chứng có thể bao gồm: Viêm trực tràng hoặc sẹo ảnh hưởng đến tiểu tiện, đại tiện.

Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti - Giám đốc WHO ở khu vực Châu Phi cho biết, nhiều nỗ lực đang được tiến hành nhằm củng cố các biện pháp hạn chế mpox. Với sự lây lan ngày càng tăng của viirus, WHO đang mở rộng quy mô hơn nữa thông qua hành động quốc tế phối hợp để hỗ trợ các quốc gia chấm dứt các đợt bùng phát.

Long Peter

Bình luận