Tại sao giới trẻ ngày nay hay nhảy việc?
  • Home/
  • Đời sống/
  • Tại sao giới trẻ ngày nay hay nhảy việc?
Đời sống

Tại sao giới trẻ ngày nay hay nhảy việc?

Theo thống kê của công ty kiểm toán PwC, dự kiến đến năm 2025, thị trường lao động trên cả nước sẽ có hơn 1/3 số lao động thuộc thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012). Tuy nhiên hiện nay, hiện tượng “nhảy việc” ở giới trẻ Gen Z đang diễn ra vô cùng phổ biến, trở thành vấn đề nan giải của nhiều nhà tuyển dụng. Vậy tại sao giới trẻ ngày nay hay nhảy việc?

 Tại sao giới trẻ ngày nay hay nhảy việc?

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamworks

1. Thế hệ trẻ chưa định hướng được công việc:

Một phần nguyên nhân nhảy việc của Gen Z đến từ sự phát triển nền kinh tế trong thời đại số. Ngày nay, công việc không còn giới hạn bởi một ngành nghề hoặc một địa điểm cố định. Đồng thời, Gen Z là thế hệ năng động, có khả năng thích nghi với nhiều ngành nghề. Do đó, trong khoảng thời gian đầu ra trường, Gen Z thường chưa thể xác định rõ định hướng công việc. Thế nên, khi làm việc tại những môi trường không phù hợp về văn hóa, con người, định hướng tương lai, họ sẽ không ngần ngại thay đổi công việc.

Ngoài ra, sự bùng nổ của thông tin và mạng xã hội tạo ra một áp lực vô hình khiến nhiều người trẻ nôn nóng thành công, có được công việc lý tưởng. Điều này dẫn đến tình trạng Gen Z nhảy việc liên tục với mong muốn tìm kiếm công việc hoàn hảo.

2. Gen Z có cá tính mạnh và mong muốn thể hiện bản thân:

Sinh ra và lớn lên trong thời đại số, nên từ lâu thế hệ Gen Z có thể tiếp cận công nghệ hiện đại và kiến thức một cách nhanh chóng, hình thành nên tính cách ham học hỏi, năng động và sáng tạo. Chính vì vậy, các bạn trẻ thời nay luôn mong muốn tìm kiếm công việc có tính khám phá, trải nghiệm và mới mẻ.

Bên cạnh đó, “cái tôi” bên trong các bạn trẻ cũng là một điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ. Bởi vì mặc dù có nhu cầu tiềm tòi, học hỏi nhưng bản thân thế hệ Gen Z lại khá e dè trước những lời phê bình. Ngoài ra, đối với thời buổi công nghệ tiên tiến như hiện nay, tìm kiếm công việc mới là điều quá dễ dàng. Vậy nên họ sẽ không ngần ngại thay đổi công việc nếu nhận thấy môi trường cũ đã nhàm chán, không còn nhiều điều để học hỏi và phát triển.

3. Vỡ mộng khi kỳ vọng quá cao vào doanh nghiệp:

Theo nghiên cứu của Oliver Wyman, so với các thế hệ trước, Gen Z có quan điểm tìm việc thiên về giao dịch hơn. Họ có nhiều yêu cầu hơn về phúc lợi, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, mức lương…Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng đủ như kỳ vọng của các bạn trẻ. Khiến cho hầu hết Gen Z vỡ mộng, thất vọng khi không cảm nhận được sự phù hợp giữa giá trị cống hiến và lợi ích nhận được.

Đặc biệt là sự hỗ trợ tài chính trong tình trạng suy thoái kinh tế như hiện nay. Theo nghiên cứu “Health on demand” thực hiện bởi Mercer, hơn 56% trong số 18.000 nhân sự trên toàn cầu nhận định mối quan tâm hàng đầu của họ là lương thưởng.

Trang Thanh

 

Bình luận